Vì sao Bộ GD-ĐT bỏ đánh giá xếp loại học lực Giỏi, khá, trung bình, yếu?

 Thay vì xếp loại học lực Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém như Thông tư 58, thì Thông tư 22 đánh giá sự phát triển năng lực của người học với 4 mức “Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt”.

HS Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) học giờ Tự nhiên – Xã hội theo phương pháp Bàn tay nặn bột. Ảnh: TG

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở (THCS) và học sinh trung học phổ thông (THPT). Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 và thực hiện theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) đối với cấp trung học.

Cụ thể, từ năm học 2021-2022 áp dụng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đối với lớp 6. Từ năm học 2022-2023 áp dụng tiếp cho lớp 7 và lớp 10. Từ năm học 2023-2024 thực hiện tiếp nối việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đối với lớp 8 và lớp 11. Từ năm học 2024-2025 thực hiện đánh giá theo Thông tư này cho 2 lớp còn lại là lớp 9 và lớp 12.

Thông tư 22 ra đời sẽ thay thế cho hai Thông tư 58 và 26 quy định về đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT được ban hành trước đó.

Bỏ tính điểm trung bình tất cả các môn học

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nếu Thông tư 58 có quy định về điểm trung bình học các môn để lấy căn cứ xếp loại học lực học sinh trong học kỳ và cả năm, thì ở Thông tư 22 mới, quy định này đã không còn. Điểm trung bình học kì và năm học chỉ được tính của riêng cho từng môn học.

Thay vì xếp loại học lực Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém như Thông tư 58, thì Thông tư 22 vì đánh giá sự phát triển năng lực của người học theo yêu cầu cần đạt của chương trình, nên đánh giá kết quả học tập của người học theo 4 mức “Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt” đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số và 2 mức “Đạt, Chưa đạt” đối với môn chỉ đánh giá bằng nhận xét.

Khi tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt; tất cả môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số có điểm trung bình môn học kỳ và điểm trung bình môn cuối năm đạt từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn học có đạt từ 8,0 điểm trở lên, thì học sinh được đánh giá kết quả học tập là “Tốt”.

Nếu học sinh có kết quả học tập tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt, đồng thời tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số có điểm trung bình môn học kỳ và điểm trung bình môn cuối năm đạt từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 06 môn đạt từ 6,5 điểm trở lên, thì được đánh giá mức “Khá”.

Kết quả học tập của học sinh được đánh giá mức “Đạt” khi có nhiều nhất 01 môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức “Chưa đạt” và có ít nhất 06 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn học kỳ và điểm trung bình môn cuối năm đạt từ 5,0 điểm trở lên, không có môn học nào dưới 3,5 điểm.

Các trường hợp còn lại, học sinh được đánh giá là “Chưa đạt”.

Việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh ở Thông tư 22 được đánh giá theo một trong 04 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt; thay vì xếp loại Hạnh kiểm: Tốt, khá, trung bình, yếu như Thông tư 58.

Nhiều môn chỉ đánh giá bằng nhận xét

Bộ GD-ĐT cho biết, Thông tư 22 quy định 2 hình thức đánh giá là bằng nhận xét và bằng điểm số. Trong đó, việc đánh giá bằng nhận xét, ngoài ý kiến chính của giáo viên, còn có sự tham gia phối hợp của học sinh, phụ huynh, và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học trò. Cả đánh giá bằng nhận xét và điểm số đều được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ.

Tuy nhiên, khác với các Thông tư quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT trước đây, Thông tư 22 cho phép một số một chỉ thực hiện đánh giá bằng nhận xét. Cụ thể, các môn: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, kết quả học tập theo môn học chỉ được đánh giá bằng nhận xét theo một trong hai mức: Đạt, Chưa đạt.

Đối với các môn học còn lại, kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét với đánh giá bằng điểm số. Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10 và phải làm tròn đến chữ số thập phân thứ nhất nếu điểm là số nguyên hoặc số thập phân.

Đánh giá vì sự tiến bộ của người học

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, kế thừa Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT, Thông tư 22 yêu cầu việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của người học.

Theo đó, việc đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong CT GDPT; bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan. Việc đánh giá thực hiện bằng nhiều phương pháp, hình thức, kĩ thuật và công cụ khác nhau, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Hoạt động này phải coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh này với học sinh khác.

Mục đích của việc đánh giá là xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong CT GDPT. Hoạt động này nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập; cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thông qua đó cũng có sự điều chỉnh hoạt động dạy học cho phù hợp.

Kế hoạch Tổ chức dạy học qua Internet trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19

PHÒNG GD – ĐT CHƯ PRÔNG TRƯỜNG TH&THCS PHAN BỘI CHÂU CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

     Số:             /KH-PBC                                           Ia Bang, ngày 02 tháng 02 năm 2021


KẾ HOẠCH
Tổ chức dạy học qua Internet trong thời gian phòng,

chống dịch bệnh Covid-19

Thực hiện Công văn số 59/PGDĐT- GDTrH ngày 01/02/2021 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Chư Prông về việc tổ chức dạy học qua internet trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

          Trường TH&THCS Phan Bội Châu xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học qua internet trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như sau:

I. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU

1. Giúp học sinh được học tập theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch Covid -19.

2. Phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của giáo viên.

3. Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức và hỗ trợ học sinh học tập.

4. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Số môn, tiết dạy học qua Internet

– Số môn học: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn. Lịch sử, Địa lý, GDCD, tiếng Anh, Công nghệ, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật.

– Số tiết/môn/tuần:

+ Môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh: 2 tiết/môn/tuần

+ Các môn còn lại: 1 tiết/môn/tuần

2. Các hình thức dạy học qua Internet

Dạy học qua Internet là các hình thức dạy học trong đó giáo viên sử dụng các ứng dụng hoặc dịch vụ của Internet để tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Dạy học thông qua các hệ thống dạy học trực tuyến.

2.1. Hệ thống quản lý học tập

Là hệ thống phần mềm và mạng máy tính cho phép tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động dạy học qua Internet từ lúc nhập học đến khi hoàn thành khóa học; giúp nhà trường theo dõi quản lý quá trình học tập của học sinh giúp giáo viên giao tiếp với HS trong việc hướng dẫn học, giao bài tập và trợ giúp, giải đáp, giúp HS có thể theo dõi được tiến trình học tập, tham gia các nội dung học qua mạng, kết nối với GV và các HS khác để trao đổi bài.

2.2. Hệ thống quản lý nội dung học tập

Là hệ thống phần mềm và mạng máy tính quản lý kho nội dung học tập qua Internet, cho phép tổ chức lưu trữ và chuyển tải các nội dung học tập tới học sinh. Hệ thống quản lý nội dung học tập có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống quản lý học tập (để truyền tải nội dung học tập tới HS) và phần mềm công cụ soạn bài giảng (để tạo ra các nội dung học tập).

2.3. Hệ thống dạy học trực tuyến

Là phần mềm ứng dụng cho phép tổ chức và quản lý lớp học qua Internet; cho phép giáo viên và học sinh có thể giao tiếp, tương tác trực tiếp được với nhau để tổ chức hoạt động dạy học.

3. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật

3.1. Hệ thống quản lý học tập

Giáo viên sử dụng phần mềm Viettel Study đáp ứng yêu cầu: Các hoạt động dạy học phải theo dõi và quản lý quá trình học tập của học sinh, tổ chức các bài kiểm tra trực tuyến; theo dõi được các hoạt động của giáo viên trên môi trường mạng. Cho phép giáo viên khởi tạo kho học liệu, theo dõi, kiểm tra đánh giá học sinh; học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập, biết được tiến trình, kết quả học tập của bản thân; học sinh, giáo viên và gia đình học sinh có thể tương tác được với nhau.

3.2. Hệ thống quản lý nội dung học tập:

Giáo viên sử dụng phần mềm Viettel Study đáp ứng yêu cầu: Cho phép tổ chức lưu trữ và chuyển tải nội dung học tập tới học sinh qua Internet; tích hợp công cụ biên soạn bài giảng dành cho giáo viên; cho phép nhà trường có thể tích hợp hệ thống quản lý nội dung dạy học với hệ thống quản lý học tập.

3.3. Hệ thống dạy học trực tuyến:

Giáo viên sử dụng phần mềm dạy học của Viettel Study đáp ứng yêu cầu: cho phép tổ chức, quản lý lớp học qua Internet giúp giáo viên, học sinh có thể tương tác trực tiếp với nhau; bảo đảm cung cấp học liệu cho học sinh; tổ chức và quản lý quá trình học tập của học sinh, sự tương tác giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên trong quá trình dạy học.

4. Yêu cầu về bài học:

– Bài học được xây dựng theo Chương trình giáo dục của nhà trường năm học 2020-2021.

– Đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh.

– Được tổ, nhóm chuyên môn góp ý, được Ban giám hiệu nhà trường duyệt trước khi đưa vào giảng dạy. 

5. Tổ chức hoạt động dạy học qua internet

5.1. Đối với nhà trường

– Chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, giáo viên xây dựng các bài học, học liệu tổ chức dạy học qua internet theo kế hoạch.

– Tổ chức tập huấn các phần mềm cho giáo viên để bồi dưỡng về phương pháp và kỹ năng cần thiết cho giáo viên về dạy học qua internet.

– Thường xuyên liên hệ, thông báo với nhà mạng Viettel Gia Lai để đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật để tổ chức và quản lý hoạt động dạy học qua internet của giáo viên và học sinh nhà trường.

– Phối hợp với gia đình học sinh trong việc tổ chức dạy học qua internet như: thông báo thời khóa biểu, lịch học, nội dung bài học, bài kiểm tra và nội quy lớp học.

– Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai hoạt động dạy học của GV, động viên khuyến khích HS tham gia học tập.

5.2. Đối với Tổ chuyên môn

– Tăng cường rà soát, lựa chọn kiến thức trọng tâm của học kỳ II để xây dựng và triển khai các chủ đề dạy học.

– Xây dựng kế hoạch bài học, môn học, bài tập, câu hỏi, đề kiểm tra theo nhóm chuyên môn. Được sử dụng các video bài giảng có nguồn chính thống; hoặc tự xây dựng video bài giảng để làm công cụ tổ chức hoạt động học tập cho HS

– Phân công GV thực hiện theo nhóm chuyên môn.

– Rà soát cơ sở hạ tầng, trình độ CNTT của giáo viên trong tổ báo cáo nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng tập huấn, tổ chức dạy học qua internet.

5.3. Đối với giáo viên:

– Giáo viên xây dựng và lựa chọn bài dạy; tổ chức các hoạt động học của học sinh bao gồm: thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên; kiểm tra đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học qua Internet khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài tiếp theo trong chương trình.

– Phối hợp với gia đình học sinh trong việc tổ chức dạy học qua internet.

– GVCN rà soát cơ sở hạ tầng của học sinh, phối hợp với phụ huynh học sinh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện học tập, nếu học sinh nào không đủ điều kiện học trực tuyến thì giáo viên cần phối hợp với gia đình học sinh để tạo điều kiện cho các em được học tập nhưng phải đảm bảo an toàn sức khỏe trong thời gian phòng, chống dịch.

– Hướng dẫn HS cách thức gửi kết quả để GV kiểm tra, đánh giá. GV phụ trách các bộ môn trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của HS

5.4. Đối với học sinh

– Học sinh chủ động, tự giác, tích cực trong việc tự học và học qua Internet.

– Học sinh thực hiện đầy đủ lịch học của từng môn theo thời khóa biểu trên trang Web của nhà trường.

5.5. Đối với gia đình học sinh

– Có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ quá trình học tập qua Internet của học sinh.

– Phối hợp với GVCN, GV bộ môn để quản lý học sinh trong thời gian tự học ở nhà qua Internet.

III. THỜI GIAN THỰC HIỆN

– Tuần 22: Từ ngày 03/02/2021 đến ngày 06/02/2021

– Tuần 23: Từ ngày 22/02/2021 đến ngày 27/02/2021

– Tuần 24: Từ ngày 01/03/2021 đến ngày 06/03/2021

– Tuần 25: Từ ngày 08/03/2021 đến ngày 13/03/2021

IV. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP:

1. Đối với các bài kiểm tra thường xuyên.

– Trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, giáo viên phụ trách các môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học trên internet.

– Kết quả kiểm tra đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ giáo dục về đánh giá xếp loại học sinh THCS.

– Không kiểm tra đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản theo PPCT đã được Sở GD ĐT ban hành năm học 2011- 2012 và các nội dung “Không dạy”, “Không làm”, “Không thực hiện”, “Khuyến khích HS tự đọc” theo hướng dẫn của công văn 1113/BGDĐT- GDTrH ngày 30/3/2020 của Bộ GDĐT.

2. Kiểm tra định kì và kiểm tra học kì:

– Khi học sinh đi học trở lại nhà trường tổ chức cho học sinh ôn tập bổ sung củng cố kiến thức đã học qua internet; thực hiện việc kiểm tra định kì và kiểm tra học kì theo quy định của bộ giáo dục đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh .

Trên đây là Kế hoạch tổ chức dạy học qua internet trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của trường TH&THCS Phan Bội Châu./.

 Nơi nhận:                                                                    HIỆU TRƯỞNG

– Phòng GD-ĐT (b/c);

– Các bộ phận CM, GV (t/h);
– Lưu VT.

Kế hoạch thi giáo viên dạy giỏi cấp trường chu kỳ 2020-2022 (Theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT ngày 20/12/2019)

PHÒNG GD-ĐT CHƯ PRÔNG TRƯỜNG THCS …………….  
Số:              /KH-THCS
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc  
 Ia Bang, ngày 02 tháng 10 năm 2020

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI CẤP TRƯỜNG

CHU KỲ : 2020 – 2022

– Căn cứ Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 12 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông;

– Thực hiện Công văn số 1626/SGDĐT-GDTrH ngày 11/9/2020 của Sở GD-ĐT Gia Lai về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2020-2021;

– Thực hiện Công văn số 679/PGDĐT-GDTrH ngày 23/9/2020 của Phòng GD-ĐT Chư Prông về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2020-2021;

          – Thực hiện Kế hoạch năm học 2020-2021 của trường THCS ………………năm học 2020-2021.

Trường THCS ………………xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường chu kỳ 2020 – 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH , YÊU CẦU

1. Mục đích:

– Phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục;

– Tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp;

– Góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện, tự học, sáng tạo, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.

2. Yêu cầu:

– Việc tổ chức Hội thi phải dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi;

– Hội thi phải đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất;

– Hội thi phải đảm bảo đúng quy định của chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành.

II. SỐ LƯỢNG, ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN VÀ NỘI DUNG HỘI THI

1. Số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn dự thi:

– Số lượng: Khuyến khích, động viên 100% giáo viên các Tổ chuyên môn đăng kí dự thi.

– Đối tượng: là Giáo viên (THCS hạng III, hạng II) đang trực tiếp giảng dạy tại trường TH&THCS Phan Bội Châu.

– Tiêu chuẩn dự thi: Giáo viên tham dự Hội thi cấp trường phải đảm bảo đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi, trong đó các tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 (Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ) được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức Tốt.

2. Nội dung thi:

– Thực hành dạy một tiết theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi. Tiết dạy tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp đó. Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia Hội thi trong năm học tổ chức Hội thi. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trong thời gian không quá 02 ngày trước thời điểm thi;

– Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc. Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian Ban Giám khảo trao đổi. Biện pháp được lãnh đạo cơ sở giáo dục xác nhận áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó.

III. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM, KINH PHÍ TỔ CHỨC HỘI THI

1. Thời gian:

– Đăng ký dự thi: Trước ngày 08/10/2020.

– Khai mạc Hội thi: Vào lúc 15h00 ngày 12/10/2020.

– Thực hành dạy một tiết theo kế hoạch giảng dạy: từ ngày 12 đến ngày 24/10/2020.

– Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân: 26-27/10/2020.

– Tổng kết Hội thi: Vào lúc 15h00 ngày 02/11/2020.

2. Địa điểm:

– Tại trường TH&THCS ………………

3. Kinh phí:

– Nhà trường phân bổ ngân sách, chi theo chế độ hiện hành.

IV.ĐÁNH GIÁ CÁC NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ HỘI THI

1. Đánh giá các nội dung thi:

a) Đối với phần thực hành tiết dạy, tổ chức hoạt động giáo dục:

Phần thực hành tiết dạy được ít nhất 03 giám khảo cho điểm và đánh giá theo Công văn 1790/SGDĐT-GDTrH ngày 05/10/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai về việc hướng dẫn đánh giá, xếp loại giờ dạy và sinh hoạt chuyên môn của giáo viên trung học năm học 2017-2018..

b) Đối với phần trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy:

– Giáo viên trình bày biện pháp; giám khảo trao đổi, đánh giá và thống nhất mức đạt hoặc chưa đạt. Phần trình bày biện pháp đạt mức đạt khi đảm bảo các yêu cầu: Nêu rõ được biện pháp có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học và giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn nhà trường, địa phương trong công tác giảng dạy của cá nhân giáo viên tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc; biện pháp được nhà trường và đồng nghiệp ghi nhận và có minh chứng về sự tiến bộ của học sinh khi áp dụng biện pháp. Nếu không đảm bảo các yêu cầu trên thì phần trình bày biện pháp là chưa đạt.

– Phần trình bày biện pháp được ít nhất 03 giám khảo đánh giá.

2. Đánh giá kết quả của giáo viên dự thi:

Giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường phải đảm bảo: Phần thực hành tiết dạy được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá loại giỏi, và không có giám khảo đánh giá là loại trung bình trở xuống; phần trình bày biện pháp được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá mức đạt.

V. SỬ DỤNG KẾT QUẢ HỘI THI:

1. Kết quả Hội thi là minh chứng để tham gia đánh giá chuẩn nghề nghiệp và thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên theo quy định hiện hành.

2. Giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi có trách nhiệm dạy lại tiết dạy và báo cáo biện pháp đã tham gia Hội thi trong phạm vi cấp trường, liên trường trên địa bàn để chia sẻ những kinh nghiệm vận dụng hiệu quả trong công tác giảng dạy.

3. Giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường năm học 2020 – 2021 được Hiệu trưởng nhà trường cấp Giấy chứng nhận đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường; Được khen thưởng theo Kế hoạch thi đua và khen thưởng của nhà trường.

4. Danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường được bảo lưu trong thời hạn 01 năm tiếp theo năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi.

5. Giáo viên được dự thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện: Khi có một năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên trong 02 năm trước liền kề hoặc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường năm tham dự Hội thi cấp huyện.

Trên đây là Kế hoạch Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường chu kỳ 2020 – 2022 của trường THCS ……………./.

 Nơi nhận:                                                                                 HIỆU TRƯỞNG

– PGD&ĐT (b/c);

– CB, GV (t/h);

-Lưu VT.                     

Những điểm mới trong nội dung “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người” được đề cập trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng

So với Đại hội XII, Dự thảo Báo cáo chính trị nêu những nhiệm vụ, giải pháp mới:

– Xây dựng đồng bộ thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

– Tập trung đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu phát triển mới của kinh tế – xã hội, của khoa học và công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

– Kiên quyết sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng; từng bước phát triển mạng lười cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao.

– Đa dạng hoá các loại hình đào tạo. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập mở, học tập suốt đời; chú trọng đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

– Xây dựng, thực hiện có lộ trình tiến tới miễn học phí cho học sinh đối với giáo dục phổ thông trong hệ thống trường công lập; phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện của Việt Nam, bảo đảm công bằng xã hội và các giá trị cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa.

– Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm; cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

– Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo. – Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo, phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.

Tải tài liệu về:

Hưởng nguyên lương khi nghỉ hưu trước tuổi

Hầu hết những trường hợp nghỉ hưu trước độ tuổi quy định sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương với mức 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp pháp luật cho phép người lao động nghỉ hưu trước tuổi mà vẫn hưởng đủ lương.

Tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ, người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ sẽ được hưởng lương hưu. 

Mặc dù vậy, vẫn có 5 trường hợp sau đây dù nghỉ hưu trước tuổi, nhưng vẫn được hưởng nguyên lương:

Trường hợp 1: Lao động nam từ đủ 55 – 60 tuổi, nữ từ đủ 50 – 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên (Điểm b Khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Trường hợp 2: Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế đủ 55 – 60 tuổi đối với nam, đủ 50 – 55 tuổi đối với nữ và có 20 năm đóng BHXH trở lên (Khoản 2, Khoản 4 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 113/2018/NĐ-CP).

Trường hợp 3: Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (Điểm d Khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội).

Trường hợp 4: Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế đủ 50 – 55 tuổi đối với nam, đủ 45 – 50 tuổi đối với nữ, có 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên (Khoản 1, Khoản 3 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP).

Trường hợp 5: Người lao động từ đủ 50 – 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò (Điểm c Khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội).

Như vậy, nếu thuộc một trong 5 trường hợp nêu trên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vẫn được hưởng lương hưu tính theo số năm đã đóng BHXH của mình mà không bị trừ tỷ lệ do nghỉ hưu trước tuổi.

Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 1 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng.

Trường hợp trong hồ sơ của đối tượng không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 1/1 của năm sinh của đối tượng.

—–DMA…..